SEO là gì? Những lợi ích và công việc của người SEO mà bạn cần biết

42 phút đọc
163 Lượt xem
11/11/2024

Trong Digital marketing, SEO (Search Engine Optimization) không còn xa lạ với bất kỳ ai muốn tạo dấu ấn trên nền tảng online. SEO giúp website của bạn nổi bật hơn trong hàng ngàn kết quả tìm kiếm, thu hút người dùng và xây dựng niềm tin thương hiệu. Tuy nhiên, để thật sự hiểu rõ SEO là gì và cách tối ưu SEO hiệu quả, không chỉ đòi hỏi kiến thức lý thuyết mà còn là kinh nghiệm thực tiễn. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá tổng quan về SEO – những nguyên lý cơ bản, yếu tố quan trọng, và cách tiếp cận mà bất kỳ ai muốn thành công trong ngành đều cần biết.

SEO là gì?

SEO viết tắt của Search Engine Optimization, là quá trình tối ưu website với mục đích đẩy các từ khóa lên vị trí cao trên công cụ tìm kiếm.

Công việc làm SEO rất đa dạng từ việc tối ưu nội dung, xây dựng cấu trúc website để đáp ứng đúng hành trình của khách hàng, tối ưu hệ thống internal link hay PR website qua các kênh báo chí, social,… Tất cả quy trình trên đều mang mục đích đẩy website lên top, tiếp cận đến nhiều khách hàng, tăng chuyển đổi cho doanh nghiệp.

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của Digital Marketing, SEO đóng vai trò là một kênh truyền thông mạnh trong chiến lược Marketing của doanh nghiệp. Việc website xuất hiện ở top đầu kết quả tìm kiếm sẽ giúp cho doanh nghiệp tăng nhận diện thương hiệu, thu hút khách hàng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ mà bạn đang kinh doanh.

SEO là gì

Một ví dụ cụ thể về SEO sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về thuật ngữ này: Website Nguyễn Xuân Định của mình vừa mới thành lập, có cung cấp các dịch vụ SEO giá rẻ, dịch vụ thiết kế website. Tuy nhiên, khách hàng không thể tìm thấy website của mình và có rất nhiều brand khác cùng cạnh tranh cho dịch vụ này. Vì vậy mình sẽ tối ưu nội dung trên website, sử dụng hình ảnh trực quan, dẫn chứng kinh nghiệm thuyết phục. Sau một thời gian, khách hàng search một từ khóa bất kỳ về dịch vụ này sẽ ra website của mình, cơ hội để Định gặp nhiều khách hàng sẽ cao hơn so với thời điểm ban đầu.

Nên nhớ rằng, SEO rất rộng và những hành động tối ưu trong ví dụ trên chỉ là một phần của SEO. Vậy trong SEO có những gì đặc biệt? Hãy tìm hiểu thêm qua nội dung bên dưới.

Các loại SEO phổ biến

Dưới đây là một số loại tối ưu công cụ tìm kiếm quan trọng có trong SEO bạn thường gặp. Những loại SEO phổ biến này có thể được tách ra thành một tiêu chí riêng, hoàn toàn có thể làm thành một loại dịch vụ.

SEO Onpage

SEO Onpage

SEO Onpage là quá trình tối ưu hóa trên chính trang web để cải thiện nội dung website đáp ứng đúng tiêu chí của công cụ tìm kiếm và trải nghiệm của người dùng. Nói dễ hiểu, tất cả mọi thao tác tối ưu content trên chính website được gọi là SEO Onpage. Các yếu tố chính cần tối ưu trong SEO Onpage bao gồm:

  • URL: Đây là địa chỉ của trang web. URL cần đảm bảo ngắn gọn, có chứa từ khóa chính, dễ đọc, người tìm kiếm thông tin dễ dàng nhận biết nội dung bài viết thông qua URL.
  • Meta description: Đoạn mô tả ngắn của bài viết trên kết quả tìm kiếm của Google. Đoạn mô tả hấp dẫn, đánh đúng vào trọng tâm của người tìm kiếm sẽ giúp cho website tăng lượt click. Thông thường, đoạn meta description sẽ có ô tùy chỉnh, những Google đã không còn ưu tiên đoạn meta mình setup, mà sẽ random một đoạn phù hợp nhất với nội dung của người tìm kiếm. Do đó, mỗi nội dung trong bài viết bạn cần tối ưu kỹ càng, nội dung hấp dẫn để Google lấy thông tin đó làm meta description nhé.
  • Thẻ title bài viết: Tương tự như meta description, thẻ Title đóng vai trò là nội dung chính của bài chính. Tiêu đề có chứa từ khóa chính, nội dung hấp dẫn sẽ tăng CTR cho website.
  • Heading: Các thẻ heading có trong bài viết bao gồm (H1, H2, H3, H4,…) giúp Google đánh giá nội dung tổng thể cấu trúc của bài viết. Việc sử dụng các thẻ heading này không chỉ giúp cho người đọc dễ dàng hình dung mục lục bài viết và còn giúp Google Bot hiểu rõ về chủ đề bài viết, tăng khả năng lên top cho từ khóa.
  • Hình ảnh: Bên cạnh việc lên top trong kết quả tìm kiếm thông tin, thì Google hình ảnh cũng góp phần tăng traffic cho website thông qua hình ảnh. Để làm được điều này, hình ảnh của bài viết phải đặt tên phù hợp, có thẻ ALT, dung lượng hình ảnh không quá lớn,…
  • Internal links: Các heading sẽ giúp Google hiểu được nội dung website, còn internal link sẽ giúp Google hiểu được toàn bộ website hoặc một cụm topic mà chúng ta đang triển khai đẩy top.

Những ý mà Định liệt kê trên đây là những yếu tố chính trong SEO, để hiểu rõ hơn về cách triển khai từng yếu tố, Định sẽ chia sẻ chi tiết qua những bài viết sau.

SEO Offpage

SEO Offpage

SEO Offpage là các tác vụ bên ngoài website để tăng cường độ uy tín, độ tin cậy của trang web trên Google. Công việc quan trọng của SEO Offpage liên quan đến xây dựng link building. Cụ thể là lấy backlink từ những trang web uy tín cao đến trang web của bạn. Càng nhiều backlink chất lượng, Google sẽ đánh giá website của bạn hữu ích và đáng tin cậy. Các yếu tố quan trọng của SEO Offpage bao gồm:

  • Social Entity: Đây là tác vụ tạo những tài khoản mạng xã hội, sau đó chèn link home về website. Mục đích để Google xác định website của mình là một thực thể có thật. Khi bạn chăm sóc các social đã tạo sẽ giúp cho website tăng độ uy tín, khả năng index bài viết cao hơn.
  • Guest Post: Những bài post trên website khác chung chủ đề với website của bạn. Bài viết như một bài blog bình thường, đi kèm với các backlink trỏ về website của bạn.
  • PBN: PBN là một hệ thống các website vệ tinh nhằm cung cấp số lượng lớn backlink về website mà không cần phải đi mua guest post bên ngoài. Với những agency thì càng nhiều PBN sẽ giúp họ đẩy top website dễ hơn so với việc SEO thuần content.
  • Backlink PR: Backlink đến từ những trang báo uy tín như Vnexpress, báo Dân Trí, Báo Thanh Niên,… Link trỏ về từ dạng bài blog hoặc dạng textlink. Những backlink từ đầu báo này sẽ đẩy mạnh độ trust của website nhiều hơn so với những link đến từ guest post.
  • Disavow link: Bên trên là những backlink trỏ về website. Tuy nhiên, quá trình xây dựng link building sẽ không tránh khỏi những backlink trỏ về từ những domain xấu (ví dụ domain cá cược, domain 18+, domain rác,…). Do đó, disavow link là thao tác loại bỏ các domain xấu gây ảnh hưởng đến website.

SEO Technical

SEO Technical

Technical SEO là một nhánh của tối ưu hóa công cụ tìm kiếm tập trung vào cải thiện các khía cạnh kỹ thuật của website để nâng cao hiệu suất và khả năng truy cập của công cụ tìm kiếm. Mục tiêu chính của SEO Technical là giúp công cụ tìm kiếm hiểu và lập chỉ mục (index) trang web của bạn một cách hiệu quả nhất, từ đó nâng cao thứ hạng trên trang kết quả tìm kiếm. Các yếu tố chính của Technical SEO bao gồm:

  • Tốc độ tải trang: PageSpeed là yếu tố quan trọng trong Technical SEO. Tốc độ load càng nhanh sẽ giúp Google đánh giá tốt website của bạn, tăng trải nghiệm của người đọc trên website. Tốc độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào nén hình ảnh, mã nguồn website, bộ nhớ đệm,…
  • File Robots.txt: Đây được xem là hướng dẫn sử dụng website. File robots.txt sẽ giúp Google biết được nên quét những nội dung nào, nên bỏ những phần nào. Việc quản lý file robots.txt này sẽ giúp bạn kiểm soát được số lượt crawl web.
  • Cấu trúc website: Website có cấu trúc rõ ràng, logic sẽ giúp Google hiểu được nội dung cua website, cải thiện SEO và nâng cao trải nghiệm của người dùng. Yếu tố quan trọng có thể kể đến như menu điều hướng, heading của website, breadcrumb,…
  • Quét trang web (Crawling): Đây là quá trình Google Bots quét và hiểu cấu trúc trang web của bạn. Khi tối ưu hóa cho việc crawl, bạn giúp công cụ tìm kiếm nhanh chóng tìm và đánh giá tất cả nội dung quan trọng trên trang web.
  • Điều hướng link: Công việc quan trọng với những website cũ, có nhiều URL 404, 301. Chúng ta cần điều hướng link lỗi về link phù hợp, loại bỏ những link trùng lặp để xây dựng cấu trúc web ổn định nhất.
  • Sitemap: Sơ đồ website đóng vai trò quan trọng để Google biết được cấu trúc website của bạn, biết được những trang nào quan trọng để quét nội dung. Việc tạo sitemaps khá đơn giản, chỉ cần bật button sitemaps trên plugin Yoast SEO hoặc Rankmath đối với website wordpress và tạo sitemaps thủ công với những website code tay.

Tại sao SEO lại quan trọng?

SEO đóng vai trò quan trọng trong tìm kiếm thông tin

Trong số các phương pháp Digital Marketing hiện nay, SEO là một kênh tiếp thị đóng vai trò quan trọng. Một số dẫn chứng về SEO như sau:

  • Theo nghiên cứu của BrightEdge năm 2019, organic search chiếm 53% tổng lưu lượng truy cập cho website.
  • Mỗi ngày có hơn 8,5 tỷ lượt tìm kiếm trên Google và lên đến 91% thị phần đến từ công cụ tìm kiếm Google này.

Điều đó cũng cho thấy được sức ảnh hưởng của SEO, không ngạc nhiên khi ngành SEO được dự báo đạt mức 122,11 tỷ đô la vào năm 2028.

SEO giúp thúc đẩy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, các thương hiệu ở bất kỳ quy mô nào. Bất cứ ai muốn đi đâu, làm gì, tìm thông tin, nghiên cứu một sản phẩm/dịch vụ nào đó đều trải qua bước tìm kiếm trên Google. Tuy nhiên, trước sự phát triển của nhiều mạng xã hội khác, liệu SEO trên Google có giữ được vị thế của mình hay không? Định sẽ đưa ra những con số cụ thể trong một bài báo chủ đề Where US Consumer Start Their Search When Online Shoping, Q1 2022 & Q1 2023.

Báo cáo search online shopping thị trường Mỹ

Kết quả thống kê vào Quý 1 2023 cho thấy:

  • 56% người mua sắm trực tuyến tại Hoa Kỳ bắt đầu tìm kiếm sản phẩm trên Amazon
  • 42% bắt đầu từ Search Engine
  • 37% đến từ Walmart
  • 20% đến từ Facebook
  • 25% từ Youtube
  • 19% đến từ Instagram
  • 19% thông qua Tiktok

Mặc dù có sự chênh lệch nhẹ bởi các website bán hàng hoặc nền tảng Tiktok khá phát triển, nhưng tìm kiếm thông tin trên Google vẫn giữ tỷ trọng lớn trong số đông người sử dụng công cụ tìm kiếm. Lý do để nhiều người hay sử dụng Google đó là SERP có đầy đủ thông tin mà họ cần, bao gồm:

  • Thông tin tổng quan
  • Hình ảnh
  • Video
  • Mua sắm
  • Website
  • Sách
  • Tin tức

Tất cả những thông tin trên cho thấy SEO Google cực kỳ quan trọng và không thể thay thế trong tương lai gần.

Triển khai SEO mang lại kết quả bền vững

Một lý do khác khiến SEO trở nên quan trọng đối với thương hiệu và doanh nghiệp đó là tính bền vững. SEO hay được so sánh với PPC, bởi PPC triển khai theo dạng trả phí, chỉ cần trả phí theo chiến dịch là có thể chuyển đổi ngay, lưu lượng truy cập vào website cũng gia tăng. Những có một nhược điểm là hết tiền là hết hiệu quả. Do đó, PPC là phương án chỉ dành cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, muốn triển khai song song với SEO hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn triển khai theo dạng chiến dịch nhỏ.

Triển khai SEO mang lại kết quả bền vững

Khác với PPC, SEO hướng đến bền vững nhiều hơn, sẽ dễ hiểu khi thời gian triển khai SEO kéo dài 6 – 12 tháng, có thể dài hơn phụ thuộc vào độ khó của ngành, kết quả sẽ ổn định hơn so với PPC.  SEO là một cách xây dựng brand hiệu quả, cũng thực hiện qua những giai đoạn

Xây dựng lòng tin --> Tăng thứ hạng --> Tăng traffic --> Tăng chuyển đổi

Khách hàng khi search một thông tin nào đó trên Google là họ thực sự có nhu cầu. Vì vậy, bất kỳ doanh nghiệp với quy mô như thế nào cũng cần triển khai SEO để đưa sản phẩm/dịch vụ của mình đến với khách hàng tiềm năng.

Bắt đầu làm SEO như thế nào?

Nếu bạn đang đọc bài viết này thông qua công cụ tìm kiếm của Google, có thể bạn đã đọc nhiều bài viết cùng nội dung tương tự cho 1 từ khóa “SEO là gì”. Đây là một bài viết hoàn toàn mới trên website Xuân Định, để lên top được từ khóa này, chúng ta cần có một lộ trình cụ thể. Có 4 yếu tố để quyết định đến quy trình SEO nói chung, đó là:

  • People: SEOer thực hiện hoặc Leader đảm bảo công việc SEO theo đúng kế hoạch, chiến lược đã được đặt ra
  • Processes: Các task làm SEO phải tuân theo đúng quy trình lên từ lúc ban đầu.
  • Technology: Các tool SEO được sử dụng trong quá trình SEO.
  • Activities: Tất cả những hoạt động đáp ứng kết quả SEO đặt ra

Từ những yếu tố trên, để bắt đầu làm SEO hiệu quả, bạn cần thực hiện SEO theo quy trình sau:

Hiểu cách thức hoạt động của công cụ tìm kiếm

Nếu bạn muốn khách hàng tìm thấy website của bạn thông qua công cụ tìm kiếm , bạn cần hiểu cách thức hoạt động của công cụ tìm kiếm đó. Mục đích để bạn hiểu và ứng dụng phù hợp nhất, tăng cơ hội hiển thị website của bạn.

Cách thức hoạt động công cụ tìm kiếm

Chúng ta xét trường hợp của Google, có 3 giai đoạn: crawling (thu thập dữ liệu), indexing (lập chỉ mục) và ranking (xếp hạng).

Định xét riêng công cụ tìm kiếm Google, bởi đây là công cụ phổ biến nhất và các công cụ tìm kiếm còn lại đều có quy trình tương tự với Google.

Giai đoạn Crawling

Crawling là quá trình mà bots của Google tiến hành quét nội dung trên website của bạn, được thực hiện khi bạn đăng hoặc thay đổi nội dung nào đó trên website.

  • Google bots sẽ quét các URL trên sitemaps hoặc do bạn submit từng link trên Google Search Console.
  • Chúng sẽ truy cập nội dung của URL đó bao gồm content, hình ảnh và truy cập đến bài viết khác thông qua internal link.
  • Quá trình này sẽ tiếp tục cho đến khi Google bots hiểu được nội dung của website, đánh giá website tổng thể.

Lập chỉ mục website

Khi thu thập thông tin website thành công, Google Bots sẽ hiểu nội dung của website, sau đó index bài viết lên Google.

  • Các thông tin cần để Bots Google hiểu bao gồm HTML, hình ảnh, file đa phương tiện, các từ khóa chính và từ khóa liên quan của bài viết.
  • Thông tin đọc hiểu sẽ được lưu lại trong kho dữ liệu khổng lồ của Google, sắp xếp chung với những website có chung chủ đề với website của bạn.

Ranking website

Khi khách hàng nhập từ khóa tìm kiếm trên Google, quy trình ranking một website được thực hiện như sau:

  • Lọc tất cả những website có thể giải đáp được yêu cầu tìm kiếm của khách hàng
  • Google Bots xem xét hàng trăm yếu tố chuẩn SEO để xác định thứ hạng của website:
    • Mức độ liên quan của website đến truy vấn tìm kiếm.
    • Chất lượng và độ tin cậy của website
    • Yếu tố load trang và độ thân thiện trên thiết bị di động.
  • Sau đó trả về kết quả search theo thứ tự trên kết quả tìm kiếm.

Nghiên cứu SEO

Nghiên cứu SEO

Sau khi đã hiểu được cách hoạt động của công cụ tìm kiếm, bạn cần nghiên cứu trước khi thực hiện SEO. Dưới đây là các loại nghiên cứu để triển khai SEO hiệu quả:

  • Nghiên cứu đối tượng khách hàng: SEO là một phương thức marketing, vì vậy nghiên cứu đối tượng khách hàng để cung cấp content phù hợp là bước rất quan trọng. Bạn cần biết được:
    • Họ là ai? (Giới tính gì, nhân khẩu học như thế nào?)
    • Nỗi đau của họ là gì?
    • Họ có những câu hỏi gì về lĩnh vực này?
  • Nghiên cứu từ khóa: Nội dung của website của mình là kiến thức Digital Marketing, các bài viết trên website cần đảm bảo nội dung phù hợp, không lan man. Để làm được điều này, bạn cần nghiên cứu từ khóa của bài viết. Dựa trên kết quả phân tích đối tượng khách hàng, bạn sẽ dùng tool để nghiên cứu từ khóa bài viết, tìm hiểu độ khó của từ khóa, số lượng bài viết cần viết để lên kế hoạch content phù hợp.
  • Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh: Đối thủ cạnh tranh của bạn đang làm gì? Điểm mạnh và điểm yếu của họ là gì? Họ đang xuất bản những loại nội dung nào? Từ đó liệt kê một số điểm để bài viết của mình nổi bật hơn so với website của họ.
  • Nghiên cứu thương hiệu/doanh nghiệp bạn đang triển khai SEO: Mục đích để bạn hiểu được mục tiêu của họ là gì? Có traffic, có chuyển đổi hay đơn giản chỉ để nhiều người biết đến thương hiệu. Qua đó, bạn sẽ có cách cam kết KPI đặt ra với khách hàng ngay từ lúc ban đầu.
  • Nghiên cứu trang web: Nếu bạn đang SEO web hoàn toàn mới, mọi thứ bắt đầu khá dễ dàng. Những với những web cũ, bạn cần check lại rất nhiều thông tin như lỗi technical, lỗi content,… Dựa trên yếu tố thuật toán của Google, bạn cần xem xét và đưa ra phương án xử lý trước khi SEO.
  • Phân tích intent của bài viết: Mẫu plan content đã có, bạn cần xác định intent của bài viết (ví dụ theo mục đích thông tin, điều hướng hay thương mại). Mỗi dạng content chúng ta sẽ có cách viết khác nhau để tăng thứ hạng và khả năng hiển thị của bài viết.

Lập kế hoạch SEO

Lập kế hoạch SEO

Như Định đã nói ở nội dung trên, SEO là cách triển khai marketing theo hướng dài hạn, dao động từ 6 – 12 tháng và dài hơn tùy vào độ khó của ngành. Do đó, bất cứ dự án SEO nào, bạn cần đặt ra mục tiêu và kế hoạch để đạt được kết quả đặt ra. Một số yếu tố quan trọng khi lập kế hoạch SEO bao gồm:

  • Đặt mục tiêu đạt được khi SEO
  • Đặt kỳ vọng tối thiểu (dự kiến) theo từng giai đoạn
  • Quyết định Plan SEO và cách triển khai dự án
  • Xác định số người để chạy dự án, KPI cho từng thành viên
  • Liệt kê công cụ SEO cần có khi triển khai và chi phí
  • Thiết lập tất cả ngân sách phát sinh dự kiến khi thực hiện dự án
  • Đo lường và báo cáo kết quả.

Triển khai SEO Website

Khi đã hoàn tất mọi nghiên cứu, đây là lúc biến ý tưởng thành hành động thực tế. Điều này bao gồm:

  • Tạo nội dung mới: Triển khai viết content theo cụm topic cần triển khai SEO.
  • Đề xuất hoặc thực hiện thay đổi trên các trang hiện có: Có thể cập nhật nội dung, cải thiện chất lượng, thêm internal link, thêm từ khóa hoặc sematic keyword, hoặc tối ưu hóa các khía cạnh khác của trang để nâng cao hiệu quả SEO.
  • Loại bỏ nội dung cũ, lỗi thời hoặc chất lượng thấp: Xóa những nội dung không đạt thứ hạng tốt, không tạo ra lưu lượng truy cập chuyển đổi, hoặc không hỗ trợ mục tiêu SEO của bạn.

Giám sát và duy trì

SEO là phương pháp marketing dài hạn, thời gian này sẽ có những bản Google Update về thuật toán, đối thủ chơi xấu website của bạn (ví dụ backlink bẩn, hay report DMCA,…), theo dõi thứ hạng từ khóa, lưu lượng truy cập website. Bạn cần thường xuyên kiểm tra website, biết được lúc nào cần audit, thời điểm cần fix lỗi, lúc nào cần triển khai giai đoạn tiếp theo của SEO.

Phân tích, đánh giá và báo cáo hiệu suất

Phân tích đánh giá hiệu suất SEO

Nếu bạn không đo lường SEO, mọi quyết định điều chỉnh hoặc báo cáo cho cấp trên chỉ dựa vào cảm tính. Do đó, bạn cần đo lường, đánh giá website thông qua các công cụ đo lường như Google Search Console, Google Analytics,… để thu thập dữ liệu về hiệu suất.

Những điều cần biết về nghề SEO

Nhân viên SEO sẽ làm những công việc gì?

Nhân viên SEO là người đảm nhận nhiệm vụ tối ưu hóa website để cải thiện thứ hạng trên các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, Yahoo. Công việc của họ bao gồm các nhiệm vụ cụ thể sau:

  • Nghiên cứu từ khóa: Xác định các từ khóa phù hợp với sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty để tối ưu hóa nội dung trang web. Đây là bước đầu tiên và rất quan trọng để hiểu nhu cầu tìm kiếm của khách hàng mục tiêu.
  • Xây dựng nội dung: Hỗ trợ hoặc hợp tác với bộ phận Content để viết các bài viết chuẩn SEO. Nội dung không chỉ phải chất lượng mà còn cần tối ưu các yếu tố như từ khóa, meta description, heading, và hình ảnh.
  • Tối ưu SEO Onpage: Đảm bảo các yếu tố trên trang web như thẻ tiêu đề, mô tả meta, thẻ heading, hình ảnh, internal link, và URL được tối ưu hóa để tăng khả năng hiển thị trên kết quả tìm kiếm.
  • Xây dựng Link Building: Tạo liên kết nội bộ (internal links) và liên kết bên ngoài (backlinks) từ các website uy tín để tăng độ tin cậy và cải thiện thứ hạng trang web.
  • Theo dõi và phân tích hiệu quả SEO: Sử dụng các công cụ như Google Analytics, Google Search Console, và Ahrefs để đo lường lưu lượng truy cập, thứ hạng từ khóa, và các vấn đề kỹ thuật, từ đó tối ưu lại chiến lược SEO.
  • Tối ưu cấu trúc website: Kiểm tra và sửa lỗi kỹ thuật trên trang web như tốc độ tải trang, lỗi mã HTML, cấu trúc URL, tính thân thiện với di động để cải thiện trải nghiệm người dùng và tăng khả năng index của công cụ tìm kiếm.
  • Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh: Theo dõi và phân tích các chiến lược SEO của đối thủ để tìm ra điểm mạnh và điểm yếu, từ đó phát triển chiến lược cho phù hợp.

Nhân viên SEO làm gì

Nhân viên SEO có thể làm việc trong nội bộ công ty hoặc là freelancer làm dịch vụ cho nhiều khách hàng khác nhau. Công việc của họ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược marketing tổng thể, đặc biệt là trong việc tăng cường nhận diện thương hiệu và thúc đẩy lưu lượng truy cập tự nhiên cho trang web.

Mức lương của nhân viên SEO

Mức lương của nhân viên SEO tại Việt Nam hiện nay khá đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Kinh nghiệm: Nhân viên SEO có nhiều kinh nghiệm, đã từng làm việc tại các công ty lớn, hoặc có những dự án SEO thành công thường có mức lương cao hơn.
  • Kỹ năng: Những người có kỹ năng chuyên sâu về các công cụ SEO, khả năng phân tích dữ liệu tốt, và viết nội dung chất lượng sẽ được trả lương cao hơn.
  • Quy mô công ty: Các công ty lớn, đa quốc gia thường có mức lương cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  • Vị trí: Mức lương của một SEO Executive sẽ khác với một SEO Manager.
  • Địa điểm: Các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh thường có mức lương cao hơn so với các tỉnh thành khác.

Theo khảo sát:

  • Mức lương khởi điểm: Đối với nhân viên SEO mới ra trường hoặc có ít kinh nghiệm, mức lương thường dao động từ 6-8 triệu đồng/tháng.
  • Mức lương trung bình: Với những người có kinh nghiệm từ 2-3 năm, mức lương có thể lên đến 10-15 triệu đồng/tháng.
  • Mức lương cao cấp: Đối với các chuyên gia SEO, quản lý đội ngũ SEO, mức lương có thể lên tới 20-30 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn tùy thuộc vào năng lực và đóng góp.

Mức lương của nhân viên SEO

Lưu ý:

  • Mức lương trên chỉ mang tính chất tham khảo: Thực tế, mức lương có thể chênh lệch tùy thuộc vào từng công ty và từng thời điểm.
  • Cơ hội tăng lương: Nhân viên SEO có nhiều cơ hội để tăng lương nếu không ngừng học hỏi và nâng cao kỹ năng.
  • Thu nhập ngoài lương: Ngoài lương cứng, nhân viên SEO còn có thể nhận được các khoản thưởng, hoa hồng nếu đạt được các chỉ tiêu đề ra.

Làm SEO có khó không?

Làm SEO có khó không? Đó là câu hỏi mà rất nhiều người mới bắt đầu tìm hiểu về SEO đều thắc mắc. Câu trả lời không phải là đơn giản “có” hay “không”, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Làm SEO có khó không

Tại sao nhiều người cho rằng SEO khó?

  • SEO bao gồm rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành và các khái niệm có thể khiến người mới bắt đầu cảm thấy choáng ngợp.
  • Việc cạnh tranh để đưa từ khóa lên top đầu các công cụ tìm kiếm là rất khốc liệt, đặc biệt là với những từ khóa có độ cạnh tranh cao.
  • Thuật toán của các công cụ tìm kiếm, đặc biệt là Google, liên tục được cập nhật, đòi hỏi người làm SEO phải không ngừng học hỏi và thích nghi.
  • Việc thấy được hiệu quả của SEO thường mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ.

Với Định, SEO không khó như bạn nghĩ, chỉ cần bạn có tinh thần học hỏi, sẵn sàng thử nghiệm và sửa lỗi, luôn cập nhật những xu hướng SEO mới. Đặc biệt cần duy trì tính kiên trì sẽ giúp bạn trau dồi kinh nghiệm phát triển khi làm SEO.

Ngoài những kiến thức làm SEO, nhân viên cần chuẩn bị gì khác?

Bên cạnh những kiến thức tổng quan về SEO, để trở thành một nhân viên thành thạo trong SEO, bạn cần chuẩn bị một số kỹ năng cơ bản sau:

  • CODE: Mặc dù đây không phải là yếu tố bắt buộc, nhưng bạn cần hiểu được cơ bản để biết website của mình đang bị lỗi tech gì, kịp thời báo với Dev để sửa lỗi. Hoặc nếu bạn biết code, hoàn toàn có thể sửa lỗi mà không cần đến IT, tiết kiệm thời gian cũng như ngân sách cho doanh nghiệp.
  • Tracking số liệu: Kỹ năng phân tích số liệu rất quan trọng, bạn sẽ biết được nội dung nào cần được đẩy mạnh, nhân khẩu học người dùng cũng như xu hướng tìm kiếm của người dùng. Vì vậy, tracking số liệu trên website là yếu tố vô cùng quan trọng.
  • Kỹ năng tự học: Đây là một nghề đặc thù mà bạn phải chạy đua theo kiến thức mới, xu hướng mới sau những lần update thuật toán của Google. Do đó, việc tự học là một yếu tố không thể thiếu đối với SEO nói riêng và các ngành nghề khác nói chung.

Công cụ hỗ trợ SEO tốt nhất hiện nay

Google Search Console

Công cụ Google Search Console

Google Search Console (trước đây gọi là Google Webmaster Tools) là một dịch vụ miễn phí mà Google cung cấp để giúp bạn theo dõi organic traffic, lượt hiển thị, CTR , duy trì và khắc phục sự cố liên quan đến sự hiện diện của trang web của bạn trong kết quả tìm kiếm của Google.

Google Analytics

Google Analytics là một công cụ phân tích web miễn phí và mạnh mẽ của Google, được sử dụng để đo lường và phân tích hiệu quả của một website. Nó cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về cách người dùng tương tác với website của bạn, từ đó giúp bạn đưa ra những quyết định tốt hơn để cải thiện trải nghiệm người dùng và tăng cường hiệu quả kinh doanh.

Ahrefs

Tool Ahref

Ahrefs là một công cụ SEO toàn diện, được sử dụng rộng rãi bởi các chuyên gia SEO và marketer trên toàn thế giới. Nó cung cấp một kho tàng dữ liệu khổng lồ về các liên kết trên toàn web, giúp bạn:

  • Nghiên cứu từ khóa: Tìm kiếm các từ khóa có liên quan, phân tích độ khó của từ khóa và dự đoán lượng tìm kiếm.
  • Phân tích đối thủ cạnh tranh: Xem xét những gì đối thủ cạnh tranh đang làm để đạt được thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm.
  • Xây dựng liên kết: Tìm kiếm các cơ hội xây dựng liên kết chất lượng, theo dõi các liên kết trỏ về website của bạn và của đối thủ.
  • Theo dõi thứ hạng từ khóa: Theo dõi vị trí của website trên các công cụ tìm kiếm cho các từ khóa mục tiêu.
  • Kiểm tra sức khỏe website: Đánh giá tổng quan về sức khỏe của website, bao gồm các vấn đề kỹ thuật, khả năng hiển thị trên thiết bị di động.

Keyword Planner

Google Keyword Planner là một công cụ miễn phí được cung cấp bởi Google, giúp bạn tìm kiếm và nghiên cứu các từ khóa liên quan đến sản phẩm, dịch vụ hoặc chủ đề mà bạn muốn quảng bá. Công cụ này đặc biệt hữu ích cho những ai đang thực hiện các chiến dịch quảng cáo trên Google Ads hoặc muốn tối ưu hóa website của mình cho công cụ tìm kiếm (SEO).

Keywordtool.io

Keywordtool io

Keywordtool.io là một công cụ nghiên cứu từ khóa trực tuyến miễn phí và trả phí, giúp bạn tìm kiếm và phân tích các từ khóa tiềm năng cho mục đích SEO và content marketing. Công cụ này tận dụng dữ liệu từ Google Autocomplete và các công cụ tìm kiếm khác như YouTube, Bing, Amazon để gợi ý cho bạn những từ khóa liên quan và có lượng tìm kiếm cao.

Screaming Frog

Screaming Frog là một công cụ SEO mạnh mẽ được sử dụng để thu thập và phân tích dữ liệu của một trang web. Nó hoạt động như một “con nhện” (spider) mô phỏng cách Googlebot thu thập dữ liệu, giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu trúc, nội dung và các vấn đề kỹ thuật của website của mình.

SEO không chỉ là công cụ giúp trang web cải thiện thứ hạng mà còn là chiến lược dài hạn nhằm xây dựng sự hiện diện bền vững trên môi trường số. Hiểu được khái niệm SEO, các lợi ích mà nó mang lại, và những công việc mà người làm SEO thực hiện là bước đầu tiên để bạn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của tối ưu hóa công cụ tìm kiếm trong kinh doanh. Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt, việc áp dụng SEO hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng, tăng cường uy tín thương hiệu và tối ưu hóa chi phí tiếp thị. Hãy đầu tư vào SEO từ bây giờ để đón đầu xu hướng và tận dụng triệt để lợi ích mà nó mang lại!